BÁNH LÁ ÁNH TÂM
Hương vị đượm tình quê Thanh
Mỗi vùng miền của Tổ quốc đều có những nét văn hóa ẩm thực truyền thống riêng biệt, chính vì sự riêng biệt đó, đã tạo nên một điều bí ẩn thu hút khách du lịch tới tham quan và thưởng thức. Nhắc đến mảnh đất Cẩm Thủy người ta thường nhớ đến một huyện miền núi ở Thanh Hóa có thiên nhiên tươi mát, thơ mộng, gắn liền với văn hóa nông nghiệp truyền thống; đặc biệt những du khách đặt chân đến nơi đây đều nhớ đến nao lòng món bánh lá dẻo, thơm và ngon nức tiếng.
Với món bánh đặc trưng này, mỗi làng quê sẽ có một tên gọi khác nhau, có nơi gọi bánh lá nhưng cũng có vùng gọi với cái tên bánh tẻ, ngoài ra còn có một tên lạ là bánh răng bừa. Tuy tên gọi khác nhau nhưng tất cả đều làm từ chính những nguyên liệu của bà con quê nhà. Là đặc sản của người dân quê, bánh lá có hình thon dài, đều, với màu xanh nhạt bắt mắt từ lá dong hoặc lá chuối và màu trắng đục của bột gạo, tạo nên một món ăn khi đã nhìn qua đều khó có thể cưỡng lại được.
Tại xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy, nhận thấy được sự yêu thích của bánh lá, nhưng lại mang hạn chế khi người dân đang bận rộn với cuộc sống mưu sinh, bánh lá chỉ được làm vào dịp ngày lễ, tết, hội,… Vì vậy, có một gia đình với sẵn niềm đam mê, nhiệt huyết, muốn giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ẩm thực của quê nhà, đã làm bánh lá từ rất lâu đời, mang hương vị thơm ngon đặc trưng nên được nhiều người biết đến đó chính là hộ Ông Nguyễn Khắc Tâm. Người dân quen gọi là “Bánh lá Ánh Tâm ” lâu dần, cái tên vừa toát lên sự chân chất, giản dị mà thắm tình thôn quê của loại bánh đặc sản này, vừa tạo nên thương hiệu nổi tiếng với cái tên riêng biệt ở vùng đất nơi đây.
Bánh lá hay còn gọi là bánh tẻ, được gói bằng lá dong hoặc lá chuối. Tên bánh tuy nghe rất bình dị nhưng quy trình làm bánh lại khá cầu kỳ, cẩn thận và tỉ mỉ. Nguyên liệu làm bánh cũng bình dân nhưng khi lựa chọn lại yêu cầu độ tinh tế, hài hòa: gạo được cơ sở Anh Tâm lựa chọn là gạo tẻ xi được lựa chọn kỹ càng sau mỗi mùa vụ thu hoạch của bà con tại địa phương. Lá được bao gói phải là lá dong mới đạt được độ thơm ngon, màu sắc bắt mắt, lá dong không được quá to hay quá bé; thịt làm nhân phải là thịt vai hoặc thịt ba chỉ được những người trong nghề lựa chọn kĩ càng tươi, ngon và không quá nhiều nạc hoặc nhiều mỡ.
Cách làm bánh không khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo. Ngoài bí quyết gia truyền của cơ sở, thì khâu ráo bột là khâu quan trọng và được coi là khâu khó nhất của làm bánh. Muốn làm bánh lá ngon gạo phải ngâm khoảng 5-7 tiếng đồng hồ sau đó đem xay nước, lặng vừa đủ độ thì đem nao, khi nao bột chú ý pha cân đối lượng nước, bột và muối (quá nhiều nước sẽ làm bánh nhão, ít nước thì bánh lại cứng); khi nao bột phải cẩn thận, cần quấy đều, lực tay uyển chuyển, khi bột sánh lại thì quấy vừa nhanh vừa mạnh để bột khỏi vón cục, không được để bột chín khi nao…Đặc biệt, không có một công thức về lượng nước hay thời gian, tất cả đều ước chừng mà mẻ bột nào cũng sánh đúng độ, mang hương vị riêng của Bánh lá Ánh Tâm . Nhân bánh chọn thịt vai, thịt ba chỉ tươi ngon xay nhỏ trộn với hành khô, thêm mắm, bột ngọt, hạt nêm, hạt tiêu, bắc lên bếp đảo đều tay sao cho nhân bánh được hòa quyện với nhau, tạo nên mùi thơm đặc trưng là hoàn thành. Sau khâu chuẩn bị mọi người sẽ cùng nhau ngồi quây quần để làm bánh, một bên nồi bột bốc khói nghi ngút, một bên nồi nhân thơm phức, người quét bột lên lá, người bỏ nhân, người cuộn lá xoay tròn cho bột phủ kín nhân rồi gấp hai bên đầu lá lại, sao cho chiếc bánh có hình thuôn dài, tròn đều và đẹp mắt. Một ngày số lượng bánh lá làm ra của ông Tâm từ 1.500-1.800 cái, vào thời điểm dịp lễ, hội nhu cầu tăng cao, số lượng ấy có thể lên tới 2.000 – 2.500 cái.
Bên cạnh đó, do khách hàng ngày càng chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nên hầu hết nguyên liệu trong quá trình làm bánh đều được Ông Tâm rất chú trọng: là nguyên liệu tự nhiên, quá trình chọn, nhập nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Người lao động cũng rất chú trọng đến việc giữ vệ sinh trong quá trình làm bánh.
Thử một lần ghé đến cơ sở sản xuất Bánh lá Ánh Tâm để biết thêm quá trình chế biến loại bánh này, sẽ giúp chúng ta nhận biết hết giá trị từng hạt gạo từ những giọt mồ hôi, công sức của bà con nông dân. Không những thế, còn góp phần tạo công ăn việc làm và tiêu thụ nguồn nông sản cho người dân địa phương nơi đây. Bánh lá Ánh Tâm là một món ăn dân giã nhưng chứa đựng những giá trị văn hóa của một vùng quê, cả tuổi thơ của rất nhiều người con xứ Thanh bao đời và cũng là một trong những món ăn truyền thống không thể bỏ qua. Dù có đi đâu, ăn gì thì với mỗi người dân thôn Trung Hà, xã Cẩm Tân cũng sẽ không bao giờ quên được mùi vị rất riêng của bánh lá nơi đây, vị ngon thôn quê đọng lại trong chiếc bánh nhỏ bé xinh xinh nhưng rất đậm đà với hương vị thơm ngon hấp dẫn đem lại cho họ cảm giác nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ những con người xứ Thanh. Cùng với thời gian, chiếc bánh lá ấy không còn bao quanh lũy tre làng, mà nó đã cùng với những người con vào Nam ra Bắc, rong ruổi khắp mọi nẻo đường để giới thiệu món ăn bình dị này với du khách muôn phương, đến với mỗi người, mỗi nhà, mỗi gia đình Việt.